CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH 15/2018/NĐ-CP

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm vừa được Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018 và có hiệu lực thi hành vào 02/02/2018 thay thế cho nghị định 38/2012/NĐ-CP. 

Trong nghị định mới này, có những nội dung thay đổi như sau:

1. Cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm (Điều 4 đến Điều 8)
     Trước đây Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (gọi chung là sản phẩm) phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

     Nghị định 15 quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện tự công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm hoàn toàn về ATTP của sản phẩm đó và gửi bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định.

      Đối với 3 nhóm sản phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế phải đăng ký công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

2. Cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiếm tra chuyên ngành từ tiền kiểm sang tập trung về hậu kiểm
         Theo nghị định 15, đối với hình thức tự công bố: Hồ sơ yêu cầu bản tự công bố an toàn sản phẩm theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định và Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ, mẫu nhãn sản phẩm. Đối với hình thức phải đăng ký bản công bố sản phẩm: Trình tự, thủ tục đăng kí được giảm các giấy tờ và thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.

           Căn cứ theo bản công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện doanh nghiệp sai phạm.
         Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Nghị định 15 tạo cơ chế thông thoáng, mở đường cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, sau khi công bố xong được đi vào sản xuất luôn và tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Doanh nghiệp có quyền lợi, thì khi doanh nghiệp vi phạm phải phạt nặng”.

3. Mở rộng các đối tượng miễn cấp Giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm  (Điều 12)
       So với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP thì Nghị định 15 mở rộng đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (Nghị định 38 là 4 đối tượng, Nghị định 15 là 10 đối tượng), cụ thể: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; Sơ chế nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Nhà hàng trong khách sạn; Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; Kinh doanh thức ăn đường phố; Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

4. Thay đổi trong việc kiểm soát về an toàn thức phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu (Điều 13 đến Điều 22)
 Bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu bao gồm: Sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm.

- Bổ sung quy định chi tiết đối với sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thủy sản, sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu (trước đây quy định tại Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT).

- Quy định chi tiết phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu:

+ Phương thức kiểm tra giảm: Trước đây là kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các sản phẩm thuộc diện kiểm tra giảm, Nghị định mới quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên và chuyển hồ sơ cho cơ quan kiểm tra nhà nước.

+ Phương thức kiểm tra thông thường: Là chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra hồ sơ, cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ. Ngoài ra, sau 3 lần kiểm tra thông thường đạt thì được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.

+ Phương thức kiểm tra chặt: Chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó.

- Về cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu: Là cơ quan được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc Bộ Công thương giao hoặc chỉ định so với quy định trước đây chỉ có Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện.

5.Thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm (Điều 26)
Nghị định 15 chỉ quy định 2 nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, ủy ban nhân dân tỉnh) trước khi quảng cáo.

Các nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp không có đối tượng phải được đăng ký và xác nhận nội dung quảng cáo.

6.  Quy định rõ về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
- Quy định cụ thể nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong đó bổ sung:

+ Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý.

+ Đối với cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành Công thương quản lý.

+ Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.

- Quy định các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thuộc phạm vi đuợc phân công quản lý; Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các Bộ quản lý chuyên ngành; Các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành.

- Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm. Quản lý điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

- Quy định chi tiết Danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của 03 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương (trước đây được quy định tại Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT).



Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Ms. Nguyễn Trâm - 0903 505 830
  • Đà Nẵng: 28 An xuân, Thanh Khê, Đà Nẵng
  • Hà Nội: 114 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hồ Chí Minh: 102 Nguyễn Xí, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
  • Đăk Lăk : 12 Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Mê Thuột 
  • Cần Thơ: Khu Chung cư Hưng Phú 1, Đường A1, Cái Răng, Cần Thơ 
  • Hải Phòng: Tòa nhà Thành Đạt, Thành phố Hải Phòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét